Bệnh suy tim không hề dễ điều trị, bạn cần kiên trì phối hợp thực hiện các biện pháp kiểm soát bệnh khác bên cạnh việc sử dụng thuốc. Cách phối hợp đúng sẽ giúp bạn giảm nhẹ triệu chứng và tránh nhiều biến chứng nguy hiểm như rung nhĩ, tổn thương gan thận, suy nhược, phù phổi, đột quỵ…
Điều trị suy tim bằng lối sống lành mạnh
Lối sống từ lâu luôn được coi là phương pháp điều trị hiệu quả của nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh suy tim. Việc thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục phù hợp theo từng giai đoạn bệnh, kiểm soát yếu tố nguy cơ sẽ giúp người bệnh giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cải thiện sức khỏe tinh thần
Tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ làm tăng hormone cortisol gây co mạch cũng như gánh nặng cho tim. Bên cạnh đó, sự căng thẳng còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, yếu tố khiến bệnh tim mạch trầm trọng hơn.
Vì thế, người bệnh suy tim cần được động viên tinh thần khi suy tim ở giai đoạn nặng. Các biện pháp thư giãn cho tinh thần có thể đơn giản như nghe nhạc, làm việc yêu thích, tích cực tập luyện hoặc tập thiền, yoga…
Giấc ngủ luôn là yếu tố quan trọng bậc nhất đối với sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Để giúp bạn dễ ngủ hơn và ngủ ngon giấc hơn, bạn có thể thử 2 cách sau đây:
- Kê cao gối ở đầu để dễ thở
- Nằm tư thế đầu thấp và dùng gối kê cao chân
- Để tránh mất ngủ vào ban đêm, bạn nên hạn chế ngủ quá nhiều vào ban ngày và không nên ăn muộn hoặc ăn no trước khi đi ngủ.
Kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh
Bệnh suy tim là tập hợp những triệu chứng giai đoạn cuối như hẹp, hở van tim, bệnh cơ tim, bệnh động mạch vành… Bệnh này cũng có những triệu chứng của các bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp cao, bệnh thuyên tắc phế quản phổi mạn tính (COPD)… Nếu muốn điều trị suy tim hiệu quả, bạn cần kiểm soát tốt các bệnh tại tim và bệnh mạn tính toàn thân khác.
Tình trạng béo phì hoặc thừa cân cũng có thể gây hẹp mạch vành, thiếu máu đến tim… dẫn đến suy tim như một hậu quả tất yếu. Vì thế, bạn nên cố gắng điều chỉnh cân nặng bằng cách thực hiện chế độ ăn ít dầu mỡ, ít chất béo, năng lượng và chăm chỉ luyện tập thể dục.
Trong trường hợp suy tim giai đoạn nặng độ 3 hoặc 4, người bệnh cần theo dõi cân nặng thường xuyên hơn. Cân nặng tăng cao đột ngột là một trong những dấu hiệu cảnh báo suy tim tiến triển.
Lên kế hoạch ăn uống khoa học
Khi điều trị suy tim, bạn cần chú ý các quy tắc trong ăn uống như:
- Uống đủ nước mỗi ngày
- Ăn ít muối, chất béo có hại
- Ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, cá…
- Hạn chế rượu, bia và các chất kích thích như cà phê, trà đặc…
- Tránh xa môi trường có khói thuốc lá vì sẽ làm tăng tiến triển bệnh suy tim
Người suy tim độ 4 hoặc độ 3 chỉ được dùng 0,5g muối/ngày. Nếu suy tim độ 1 hoặc 2, số lượng muối có thể tăng lên 1 – 2g/ngày.
Tập thể dục nhẹ nhàng vừa sức điều trị suy tim
Bạn nên đi bộ thường xuyên giúp thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu và cải thiện suy tim. Có một quan niệm sai lầm mà nhiều người gặp phải là khi mắc bệnh suy tim tuyệt đối không nên tập luyện thể dục. Thực tế, các bài tập thể dục nhẹ nhàng vừa sức sẽ làm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Các hoạt động thể chất còn có tác dụng giúp tăng phát triển hệ mạch máu mới, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Bạn có thể dễ dàng thực hiện các bài tập đơn giản như đi bộ, bơi lội, đạp xe… Bạn nên luyện tập tối thiểu 5 buổi/tuần và không nghỉ quá 2 buổi liên tiếp. Bạn cũng cần tăng cường độ bài tập từ từ và tránh tập luyện quá sức.
Bên cạnh lối sống lành mạnh, bạn cần thực hiện giải pháp điều trị suy tim theo Tây y và Đông y nhằm kiểm soát bệnh một cách đồng bộ và toàn diện hơn.
Ban biên tập
Bình luận