CDC (Trung tâm kiểm soát dịch bệnh) và các đối tác đang tích cực theo dõi các báo cáo về tình trạng viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau tiêm chủng COVID-19. Hoạt động theo dõi tích cực bao gồm xem xét dữ liệu và hồ sơ bệnh án, đánh giá mối liên quan đến việc tiêm chủng COVID-19.
Viêm cơ tim là tình trạng viêm lớp cơ dày của thành tim khiến cơ tim bị tổn thương viêm và hoại tử, ảnh hưởng tới chức năng co bóp của cơ tim. Viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm kích thích của màng ngoài tim, màng mỏng bao quanh tim. Trong cả hai trường hợp, hệ miễn dịch của cơ thể gây ra tình trạng viêm tấy phản ứng lại khi xuất hiện lây nhiễm hoặc một số yếu tố kích hoạt khác.
Viêm cơ tim (ảnh minh hoạ)
Những điều cần biết về viêm cơ tiêm sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19
- Đã có các ca được báo cáo về Hệ thống báo cáo biến cố bất lợi của vắc-xin xảy ra:
+ Sau khi tiêm vắc-xin mRNA ngừa COVID-19 (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna), đặc biệt là ở trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên nam giới.
+ Thường gặp hơn sau khi chích liều thứ hai
+ Thường gặp hơn trong vòng một vài ngày sau tiêm chủng
- Hầu hết các bệnh nhân viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim được chăm sóc đều phản ứng tốt với thuốc, sau đó được nghỉ ngơi và đã nhanh chóng cảm thấy khỏe hơn.
- Bệnh nhân thường có thể trở lại hoạt động thường nhật sau khi các triệu chứng được cải thiện. Những người đã được chẩn đoán viêm cơ tim nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa tim mạch (bác sĩ tim) nếu muốn tập thể dục hoặc chơi thể thao trở lại. Các thông tin sẽ được chia sẻ thêm khi có sẵn.
Viêm màng ngoài tim (ảnh minh hoạ)
Cả viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim đều có các triệu chứng sau:
- Đau ngực
- Hụt hơi
- Cảm giác có nhịp tim nhanh, không đều hoặc đập thình thịch
Hãy tìm sự chăm sóc y tế nếu các bạn hoặc con em các bạn có bất kỳ triệu chứng trên, đặc biệt là trong vòng một tuần sau khi tiêm chủng COVID-19.
Nên đến khám bác sĩ sau khi tiêm vaccine khi nào?
Nếu sau khi tiêm vaccine, các bạn thấy các triệu chứng như:
- Đau ngực, cảm giác ép nặng hoặc khó chịu ở ngực;
- Cảm giác hồi hộp đánh trống ngực (nhịp tim không đều, bỏ nhịp, nhịp nhanh hoặc nhịp tim quá chậm);
- Ngất;
- Khó thở;
- Đau khi thở.
Các triệu chứng này thường xuất hiện sau tiêm vaccine từ 1 đến 5 ngày (trung bình là 2 ngày). Khi chúng ta có triệu chứng này nên đến khám bác sĩ tim mạch. Nếu bạn không có cảm giác và triệu chứng gì sau tiêm vaccine, bạn có thể có những hoạt động thường ngày mà không cần phải tránh gắng sức hay tránh tập thể dục.
Tiên lượng của viêm cơ tim sau tiêm vaccine
Hầu hết những ca viêm cơ tim sau tiêm vaccine mRNA đều khá lành tính và thường sẽ hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, có một số rất nhỏ bệnh nhân có những triệu chứng dai dẳng kéo dài như block nhĩ thất, rối loạn nhịp, suy thất trái. Những bệnh nhân này nên được theo dõi và điều trị bởi các bác sĩ tim mạch.
Với viêm cơ tim không do tiêm vaccine có một số trường hợp có thể dẫn tới suy tim về sau. Tuy nhiên, những bệnh nhân viêm cơ tim sau tiêm vaccine nên được theo dõi trong ít nhất 12 tháng nếu đã được chẩn đoán xác định.
Nói chung viêm cơ tiêm sau tiêm vaccine rất hiếm gặp. Đa phần có tiên lượng tốt nên chúng ta không nên quan ngại khi tiêm vaccine phòng COVID-19.
Có nên tiếp tục tiêm vắc-xin ngừa Covid-19?
CDC vẫn tiếp tục khuyến nghị tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên nên đi chích ngừa Covid-19. Các rủi ro đã biết của bệnh Covid-19 và những biến chứng liên quan, có thể ở mức nghiêm trọng, như vấn đề sức khỏe dài hạn, nhập viện, thậm chí tử vong, còn lớn hơn nhiều so với rủi ro tiềm tàng của việc gặp phải tác dụng phụ bất lợi hiếm gặp của tiêm chủng, bao gồm nguy cơ viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim.
Nếu các bạn đã tiêm liều thứ nhất loại vắc-xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna, điều quan trọng là phải tiêm liều thứ hai trừ khi nhà cung cấp dịch vụ tiêm chủng hoặc bác sĩ của các bạn nói các bạn không nên tiêm nữa.
Nếu các bạn vẫn còn lo ngại về việc tiêm vắc-xn ngừa Covid-19, hãy trao đổi với phòng khám, bác sĩ của các bạn.
Tham khảo:
1. vietnamese.cdc.gov
2. suckhoedoisong.vn
Ban biên tập
Bình luận