Vào thời điểm chuyển mùa, nhất là chuyển từ thời tiết nóng sang lạnh, khi đó độ ẩm trong không khí tăng cao, cơ thể có người sẽ có các mạch máu ngoại vi làm giảm tưới máu cho các cơ quan ngoại biên trong đó có da, cơ khớp như một cách để thích ứng với sự thay đổi. Biểu hiện của bệnh: đau mỏi cơ xương khớp, co cứng vùng vai, gáy, thắt lưng.

Các bệnh về cơ - xương - khớp được chia làm hai nhóm:

- Thứ nhất là nhóm có chấn thương bao gồm chấn thương do thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt…

- Thứ hai là nhóm không chấn thương, bao gồm rất nhiều loại bệnh lý xương khớp như:

+Bệnh hệ thống (lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa cơ và viêm da cơ, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp);

+Bệnh khớp tinh thể như bệnh gút; bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính (viêm cột sống dính khớp và viêm khớp phản ứng);

+Bệnh lý nhiễm khuẩn liên quan tới hệ xương khớp (viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp do lao, viêm khớp do vi-rút, viêm khớp do ký sinh trùng và nấm, thấp khớp cấp);

+Bệnh xương khớp không do viêm (loãng xương, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, hoại tử vô khuẩn xương); các bệnh lý phần mềm cạnh khớp (viêm gân, viêm bao gân, viêm túi thanh dịch); các bệnh lý cơ xương khớp khác (u xương nguyên phát, ung thư di căn xương).

Dưới đây là một số bệnh thường gặp liên quan đến cơ – xương – khớp chúng tôi liệt kê để bạn có thể tham khảo:

Viêm khớp dạng thấp (thấp khớp)

Đây là một tình trạng viêm mạn tính tự miễn trong các khớp. Bệnh xảy ra khi hệ thống tự miễn dịch tấn công lên mô xung quanh của khớp được gọi là bao hoạt dịch. Bệnh ảnh hưởng đến nhiều khớp và cũng có thể ảnh hưởng đến các mô và cơ quan khác của cơ thể. Một điều nguy hiểm đó là thấp khớp rất dễ nhầm với các bệnh về xương khớp khác, vì thế chúng ta cần phải có kiến thức để nhận biết rõ ràng để được điều trị kịp thời.

 

 

Vì thấp khớp là bệnh của hệ tự miễn – do cơ thể tự sinh ra những chất chống lại chính khớp và gây đau nên bệnh rất khó chữa khỏi. Việc điều trị bệnh thường kéo dài từ 1 -2 tháng đến vài năm thậm chí là sẽ kéo dài suốt đời.

Các triệu chứng của chứng viêm khớp dạng thấp bao gồm: Khớp đau và cứng; Sưng khớp; Khả năng vận động khớp bị hạn chế; Nóng đỏ quanh khớp; Độ cứng khớp buổi sáng kéo dài trong một giờ trở lên; Quá mệt mỏi; Xuất hiện các nốt thấp; Tổn thương các khớp đối xứng; Tổn thương các khớp nhỏ bàn tay và bàn chân; Bệnh tim, thận và phổi cũng có thể liên quan.

Đề phòng nhiễm liên cầu bằng cải thiện chế độ sinh hoạt, tăng cường vệ sinh, giữ ấm, khám và điều trị sớm, điều trị dứt điểm các ổ nhiễm khuẩn ở vùng tai, mũi, họng, răng (chân răng sâu, cắt amidan nếu có viêm mủ, điều trị viêm xoang...).

Người bệnh thấp khớp có thể tham khảo chế độ dinh dưỡng sau: nên ăn nhiều cá (cá hồi, cá thu, các trích, cá mòi, cá ngừ, cá trống) vì trong cá có acid béo Omega-3 có khả năng ngăn chặn phản ứng của hệ miễn dịch gây ra chứng viêm khớp, làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh này. Các vitamin C, D, E và beta-caroten có thể giúp phòng tránh được một số dạng viêm khớp. Vitamin C và D có khả năng cải thiện bệnh viêm xương - khớp.

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là tình trạng các lớp sụn và đĩa đệm bị giảm chức năng, tổn thương. Bệnh nhân thoái hóa khớp có thể xuất hiện 1 hoặc nhiều triệu chứng như: Viêm, giảm dịch nhầy bôi trơn, khó cử động...

Đây là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là ở người trưởng thành. Bệnh là tình trạng hư hỏng của quá trình lão hóa phần quanh khớp, sụn đệm giữa hai đầu xương khớp, xung quanh khớp có đi kèm theo phản ứng viêm và giảm lượng dịch nhầy –  một loại dịch giúp bôi trơn ma sát ở hai điểm nối giữa hai đầu khớp.

 

Tuổi tác, tình trạng béo phì những chấn thương nhẹ hoặc mãn tính ở khớp là yếu tố quan trọng liên quan đến thoái hóa khớp. Thoái hóa khớp bao gồm cả sụn, khớp, cả những tổn thương thoái hóa tại các đĩa liên đốt. Đặc trưng của bệnh là sự thoái hóa của sụn và phì đại xương tại các diện khớp.

Triệu chứng đặc thù của bệnh còn tùy thuộc vào vị trí khớp bị thoái hóa, tuy nhiên hầu hết thoái hóa khớp luôn có triệu chứng chung đó là gây cho người bệnh cảm giác đau nhức tại nơi bị thoái hóa như là đau mỏi thắt lưng, đau mỏi khớp gối do thoái hóa khớp gối,…

Chế độ ăn uống có tác động đến các triệu chứng hoặc sự tiến triển của viêm khớp. Đặc biệt là ở những người thừa cân, việc giảm trọng lượng ≥10% sẽ cải thiện tình trạng đau và chức năng của khớp.

Có ý kiến ​​cho rằng, lipid góp phần vào sinh lý bệnh thoái hóa khớp. PUFA chuỗi dài ω-3 trong chế độ ăn uống sẽ ảnh hưởng đến thành phần sụn và tác dụng có lợi trong viêm khớp.

Cholesterol cao cũng liên quan đến bệnh thoái hóa khớp. Do đó, chế độ ăn uống giảm cholesterol rất quan trọng ở người bệnh thoái hóa khớp.

Vitamin D là thành phần ảnh hưởng đến trạng thái của nhiều cấu trúc khớp. Bằng chứng về mối liên quan giữa dấu ấn sinh học vitamin D, 25 (OH) D huyết thanh và bệnh viêm khớp đã được đánh giá trong 1 tổng quan có hệ thống. Đối với sự tiến triển của bệnh viêm khớp gối, khi chụp X quang có mối liên quan đến 25 (OH) D thấp trong cơ thể.

Ngoài ra, vitamin K cũng rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa sụn. Thiếu hụt vitamin K có liên quan đến viêm khớp gối và tổn thương sụn trên MRI (RR 2,39; KTC 95%, 1,05-5,40) so với người cung cấp đầy đủ chất này.

Quá trình điều trị thoái hóa khớp cần nhiều thời gian, kinh phí và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ.

Bệnh gút (gout)

Bệnh này khá phổ biến ở nước ta, nó là một loại viêm khớp, thường gặp ở những người trong độ tuổi 40, tuy nhiên chiếm tỉ lệ cao nhất vẫn là ở người cao tuổi. Bệnh phát triển theo hai giai đoạn là cấp tính và mãn tính. Bệnh sẽ diễn ra trong vài ngày, có thể tự hạn chế trong một tuần nhưng lại rất dễ tái phát nếu như không được điều trị kịp thời.

 

Cơ chế của bệnh là do tăng acid uric trong máu (> 420μmol/l đối với nam và >360μmol/l đối với nữ, khi tăng nó sẽ lắng đọng ở các cơ quan, tổ chức của cơ thể dưới dạng tinh thể urat (ở màng hoạt dịch gây viêm khớp; ở thận gây viêm thận kẽ, sỏi tiết niệu dần dẫn đến suy thận; sụn xương; sụn khớp, sụn vành tai; ở các mô dưới da: khuỷu tay, mắt cá, gối; ở thành mạch...).

Sự tăng này có thể do nguyên phát hoặc thứ phát trong đó nguyên nhân tăng gắn liền với yếu tố di truyền và cơ địa, quá trình tổng hợp purin nội sinh tăng nhiều gây tăng acid uric cộng với những tác nhân do ăn nhiều những thức ăn có chứa nhiều nhân purin (gan, lòng, thịt bò, chó, tôm, cua...), uống nhiều rượu bia là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh gút. Sự tích tụ của các tinh thể muối urat ở các khớp xương khiến cho các khớp sưng lên dẫn đến sự viêm, sưng tấy, nóng đau nhức ở người bệnh.

Người bệnh gút có thể tham khảo chế độ dinh dưỡng sau:

- Tránh thực phẩm chứa nhiều nhân purin: nội tạng động vật (tim, gan, lòng bầu dục); thịt xông khói; hải sản (tôm, cua, cá hồi, cá mòi); các loại đậu, măng tây, cải bó xôi; thịt đỏ ( trâu, bò, chó); thức ăn chua ( hoa quả chua, đồ muối chua)

- Tránh uống bia, rượu mạnh, có thể uống rượu vang (150ml/ngày)

- Tránh dùng các thuốc lợi tiểu, corticoid.

- Nên uống nhiều nước: khoảng 2 lít/ngày (nước khoáng kiềm)

- Nên ăn nhiều rau xanh, cà rốt, bắp cải, đậu phụ

- Có thể uống sữa, ăn trứng, ăn thịt trắng, cá đồng

- Vitamin C 500mg/ngày

- Không nên đi giày quá chật

- Nhìn chung chế độ ăn hạn chế năng lượng vì bệnh gút hay đi kèm với các bệnh rối loạn chuyển hóa khác.

Ban biên tập